Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 là tiêu chuẩn quốc tế liên quan tới năng lực của phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn. Hiện nay ở Việt Nam tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 đã trở nên rất thân thuộc đối với các phòng thử nghiệm/ hiệu chuẩn, các cơ quan quản lý và người tiêu dùng.Việc các phòng thử nghiệm/ hiệu chuẩn (PTN) áp dụng tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 trước hết là hỗ trợ trực tiếp cho các PTN kiểm soát toàn bộ hoạt động của mình và đảm bảo chất lượng kết quả thử nghiệm/ hiệu chuẩn và sau đó là tạo lòng tin cho khách hàng, cơ quan quản lý khi sử dụng kết quả thử nghiệm/ hiệu chuẩn của PTN.
Tính tới tháng 10 năm 2015 Văn phòng Công nhận Chất lượng (BoA) đã công nhận hơn 800 phòng thí nghiệm bao gồm cả phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn. Mặc dù số PTN được công nhận tăng hàng năm nhưng các PTN đã được công nhận và mới được công nhận vẫn gặp một số khó khăn trong hoạt động quản lý thiết bị, một trong những yêu cầu về kỹ thuật của tiệu chuẩn ISO/IEC 17025:2005. Bài viết này nhằm mục đích chia sẻ thêm những thông tin về hoạt động kiểm soát thiết bị theo yêu cầu của tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005.
Theo yêu cầu của tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 thì việc kiểm soát thiết bị tập trung vào bốn nội dung chính là:
– Sử dụng thiết bị |
– Bảo trì thiết bị. |
– Kiểm tra thiết bị. |
– Hiệu chuẩn thiết bị. |
Phòng thử nghiệm/ hiệu chuẩn có thể soạn thảo hướng dẫn Kiểm soát thiết bị thể hiện cả bốn nội dung là sử dụng, kiểm tra, bảo trì và hiệu chuẩn thiết bị. Cụ thể cả bốn nội dung như sau:
* Sử dụng thiết bị:
PTN cần có sẵn hướng dẫn sử dụng cho từng thiết bị để đảm bảo cán bộ vận hành thiết bị thao tác trên thiết bị được chính xác, đúng đắn và thống nhất. PTN có thể soạn thảo hướng dẫn sử dụng thiết bị hoặc sử dụng tài liệu hướng dẫn sử dụng thiết bị do nhà sản xuất cung cấp tuy nhiên cần đảm bảo các cán bộ sử dụng có thể hiểu thống nhất và thao tác, vận dụng có thể hiểu thống nhất và phù hợp với qui định của phương pháp thử nghiệm/ hiệu chuẩn.
Thông thường các PTN soạn thảo hướng dẫn sử dụng thiết bị dựa trên hướng dẫn của nhà sản xuất, qui định và hướng dẫn của phương pháp thử, tham khảo các tài liệu liên quan tới thiết bị. PTN nên soạn thỏa hướng dẫn thiết bị ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu và dễ thao tác. Trong hướng dẫn sử dụng thiết bị PTN còn có thể đề cập các thông tin như:
– Thông tin trên nhãn thiết bị: có thể bao gồm tên thiết bị, mã hiệu, tình trạng hiệu chuẩn.
– Mã hiệu nhận diện thiết bị.
– Qui định về lưu trữ.
– Qui định về điều kiện hoạt động thiết bị có thể bao gồm cả điều kiện trong PTN và ngoài PTN.
– Qui định về vận chuyển thiết bị đặc biệt các thiết bị hiện trường hoặc thiết bị sử dụng di động chứ không đặt cố định trong PTN.
– Qui định về an toàn.
* Bảo trì thiết bị:
Theo yêu cầu của tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 thì toàn bộ thiết bị PTN cần có hướng dẫn bảo trì. Tùy thuộc bản chất, cấu tạo, chức năng của thiết bị mà mỗi thiết bị cụ thể sẽ có cách thức bảo trì khác nhau. Các nhà sản xuất thiết bị thường đề cập nội dung bảo trì thiết bị trong tài liệu hướng dẫn thiết bị.
PTN nên soạn thảo nội dung bảo trì cụ thể cho thiết bị của mình dựa vào hướng dẫn của nhà sản xuất.
Nội dung bảo trì nên đề cập cách thức thực hiện, tần suất thực hiện và cách thức ghi nhận hồ sơ việc thực hiện bảo trì.
* Kiểm tra thiết bị:
Nội dụng kiểm tra thiết bị hiện nay các PTN thường chưa soạn thảo được chi tiết các bước thực hiện kiểm tra thiết bị, tiêu chí đánh giá kết quả kiểm tra, qui định cụ thể tần suất thực hiện kiểm tra thiết bị.
Một khó khăn của các PTN ngoài việc soạn thảo và ban hành hướng dẫn kiểm tra thiết bị đó là việc đầu tư chuẩn, thiết bị, dụng cụ, hóa chất chuẩn… để thực hiện kiểm tra thiết bị.
PTN có thể tìm kiếm nội dung về cách thức kiểm tra thiết bị và tần suất kiểm tra trong hướng dẫn của nhà sản xuất thiết bị, phương pháp thử, tài liệu của các tổ chức đo lường quốc tế, quốc gia, khu vực, qui định của BoA thể hiện trong các yêu cầu bổ sung để công nhận cho từng lĩnh vực cụ thể. Nhiều thiết bị cơ bản trong PTN có thể tham khảo hướng dẫn kiểm tra thiết bị từ các tài liệu của các tổ chức đo lường quốc tế (OIML – Tổ chức đo lường phát quyền quốc tế), các tổ chức công nhận các nước như cân phân tích, cân kỹ thuật, dụng vụ định mức…
* Hiệu chuẩn thiết bị:
Đa số các PTN thực hiện Hiệu chuẩn thiết bị bằng cách sử dụng dịch vụ từ phòng hiệu chuẩn bên ngoài. Tuy nhiên, PTN nên quan tâm việc lựa chọn đơn vị thực hiện hiệu chuẩn đáp ứng qui định của BoA. Theo qui định của BoA thì PTN phải sử dụng dịch vụ hiệu chuẩn thiết bị bởi các phòng hiệu chuẩn được công nhận ở phạm vi sử dụng bởi BoA hoặc các tổ chức công nhận có ký thỏa ước thừa nhận lẫn nhau với khu vực và quốc tế (APLAC, ILAC).
PTN có thể triển khai hoạt động tự hiệu chuẩn cho một số thiết bị để chủ động và tiết kiệm kinh phí. PTN tự thực hiện hiệu chuẩn cần tuần thủ các yêu cầu về liên quan hoạt động hiệu chuẩn theo ISO/IEC 17025:2005 và đề nghị BoA đánh giá công nhận năng lực hiệu chuẩn để chủ động kiểm soát cho các thiết bị trong PTN. PTN nên thực hiện xác định chu kỳ hiệu chuẩn cho các thiết bị của mình theo hướng dẫn của Tổ chức cân đo quốc tế và tổ chức hợp tác công nhận quốc tế ban hành (OIML D 10 ILAC – G24), qui định của BoA trong các yêu cầu bổ sung để công nhận cho từng lĩnh vực cụ thể.
Một nội dung quan trọng nữa trong hoạt động hiệu chuẩn là PTN cần xác định yêu cầu hiệu chuẩn cụ thể cho từng thiết bị tùy thuộc mục đích sử dụng của thiết bị và đánh giá kết quả hiệu chuẩn thiết bị đảm bảo thiết bị đáp ứng mục đích sử dụng của PTN sau khi thiết bị được hiệu chuẩn.
Kiểm soát thiết bị PTN là một nội dung quan trọng để PTN đảm bảo được chất lượng kết quả thử nghiệm/ hiệu chuẩn. Do đó việc kiểm soát thiết bị từ hoạt động sử dụng, bảo trì, kiểm tra và hiệu chuẩn là rất cần thiết trong hoạt động quản lý PTN. PTN có thể cải tiến hoạt động của mình thông qua việc ngày càng hoàn thiện hơn việc kiểm soát thiết bị mà cụ thể là đi từ nguồn lực thực hiện kiểm soát và tài liệu hướng dẫn để sử dụng, bảo trì, kiểm tra và hiệu chuẩn thiết bị.