Hội nhập kinh tế quốc tế với hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa
Chat Zalo
Chat ngay

Hội nhập kinh tế quốc tế với hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa

Tác giả: ISOCUS | 19-04-2017, 5:58 pm
Toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới là một xu thế tất yếu và ngày càng trở nên...

Toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới là một xu thế tất yếu và ngày càng trở nên sâu rộng và không thể đảo ngược được. Đó vừa là một trong những cơ hội vô cùng to lớn nhưng cũng là những thách thức, sức ép không nhỏ nhất là đối với các DN, các quốc gia đang phát triển và xây dựng nền kinh tế thị trường.

Các DN và các quốc gia ngày càng nhận thức sâu sắc rằng, để đứng vững và phát triển được trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt này, họ không còn cách lựa chọn nào khác là phải kinh doanh hướng vào chất lượng, coi chất lượng là một trong những mục tiêu hàng đầu. Chất lượng đã trở thành yếu tố chính, yếu tố quyết định trong chiến lược kinh doanh để bảo đảm sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh.
Từ sau chiến thế giới lần thứ hai, các công ty và quốc gia trên thế giới ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề chất lượng. Từ giữa thập kỷ 70, các công ty Nhật Bản đã trở thành những người tiên phong trong lĩnh vực chất lượng. Sản phẩm của các công ty hàng đầu Nhật Bản đã được khách hàng ở mọi nơi trên thế giới tiếp nhận vì có chất lượng cao và giá bán hạ. Sau những thành công tuyệt vời của Nhật Bản, các quốc gia trên thế giới đã không còn có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận cuộc cạnh tranh bằng con đường chất lượng. Muốn tồn tại và phát triển, bên cạnh việc họ phải giải quyết nhiều yếu tố khác, chất lượng trở thành yếu tố then chốt và quyết định.
Xu thế toàn cầu hoá và các trào lưu của làn sóng kinh tế tri thức trong những năm gần đây đã tạo ra những thách thức mới trong kinh doanh, khiến các DN ngày càng coi trọng vấn đề chất lượng. Để thu hút khách hàng, các công ty đã đưa chất lượng vào nội dung hoạt động quản lý của mình. Ngày nay, khách hàng ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng SPHH và điều kiện đảm bảo chất lượng. Hầu hết các khách hàng đều mong đợi người cung ứng cung cấp cho họ những SPHH đáp ứng các nhu cầu mong muốn ngày càng cao hơn của họ.

Bên cạnh đó, với sự phát triển như vũ bão về khoa học kỹ thuật, đặc biệt là sự bùng nổ của công nghệ tin học, các công ty và các quốc gia ngày càng có các điều kiện thuận lợi hơn để thoả mãn nhu cầu của khách hàng. Điều đó làm cho mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn. Muốn phát triển trong môi trường cạnh tranh này, các công ty buộc phải không ngừng cải tiến, hoàn thiện và nâng cao chất lượng SPHH, đồng thời phải không ngừng nghiên cứu, thiết kế sản phẩm mới, tạo ra những đặc trưng khác biệt của SPHH để thoả mãn tốt nhất nhu cầu khách hàng, nhằm duy trì và mở rộng thị trường.
Nếu trước đây, các quốc gia còn dựa vào các rào cản thuế quan, rào cản kỹ thuật để bảo vệ nền sản xuất trong nước, thì trong bối cảnh quốc tế hoá mạnh mẽ hiện nay, với sự ra đời của WTO và Hiệp định về rào cản kỹ thuật đối với thương mại (Hiệp định TBT), các SPHH ngày càng tự do vượt ra khỏi giới hạn khuôn khổ biên giới quốc gia. Sự phát triển mang tính toàn cầu đã tạo điều kiện để hình thành nên thị trường tự do khu vực và quốc tế; tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ các phương tiện chuyên chở với giá rẻ, đáp ứng nhanh; hệ thống thông tin trở nên kịp thời, rộng khắp. Trong bối cảnh như vậy, các công ty và các nhà quản lý trở nên năng động hơn, thông minh hơn, dẫn đến sự bão hoà của nhiều thị trường chủ yếu, tạo ra sự suy thoái kinh tế phổ biến trong khi các đòi hỏi về chất lượng ngày càng trở nên cao hơn.
Các đặc điểm trên đã làm cho chất lượng trở thành một yếu tố cạnh tranh mạnh mẽ nhất. Các công ty đã chuyển vốn đầu tư vào các khu vực có khả năng thoả mãn khách hàng và đem lại lợi nhuận cao hơn. Sản phẩm có thể được thiết kế tại một nước, sản xuất tại một số nước và bán ở mọi nơi trên thế giới. Các nhà sản xuất, phân phối và khách hàng ngày nay có quyền lựa chọn sản phẩm có chất lượng cao, giá cả phù hợp, phương thức giao nhận hàng thuận tiện ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Cuộc đua tranh đối với công ty thực sự mang tính toàn cầu.
Thực tế đã chứng minh rằng, những công ty thành công trên thương trường đều là những công ty đã nhận thức và giải quyết tốt bài toán chất lượng. Họ đã thoả mãn tốt nhu cầu khách hàng trong nước và quốc tế. Cuộc cạnh tranh toàn cầu đã và sẽ trở nên mạnh mẽ hơn với quy mô và phạm vi ngày càng rộng lớn. Sự phát triển của khoa học, công nghệ ngày nay đã tạo ra cơ hội cho các nhà sản xuất, kinh doanh nhạy bén có khả năng tận dụng lợi thế riêng của mình, cung cấp những SPHH có chất lượng cao, thoả mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và tạo lợi thế cạnh tranh.
Trong xu thế phát triển của nền kinh tế tri thức, nguồn tài nguyên thiên nhiên không còn là yếu tố quyết định sự phồn vinh của một quốc gia nữa. Thông tin, kiến thức, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, trình độ tay nghề cao và kỹ năng thực hành, kỹ năng quản lý tốt dựa trên nền tảng giáo dục chuẩn mực và nề nếp mới thực sự đem lại sức mạnh cho một dân tộc, một quốc gia. Nhật Bản và Đức là những nước đã thất bại trong chiến tranh thế giới thứ hai và cũng là những nước không có nguồn tài nguyên dồi dào, nhưng họ đã thực sự quan tâm và giải quyết tốt bài toán chất lượng.

Đặc biệt, Nhật Bản đã rất thành công trong việc vận dụng sáng tạo các tư tưởng và các quá trình quản lý chất lượng được hình thành ở những nước khác trong thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh ở nước mình nên đã trở thành đối thủ cạnh tranh đầy sức mạnh trên thị trường toàn cầu. Hai nước này đều có nền tảng giáo dục tốt, có hệ thống dạy nghề rộng khắp cũng như có những triết lý riêng trong việc giải quyết vấn đề chất lượng. Đồng thời, hai nước này còn tập trung mọi nỗ lực để luôn cung cấp những SPHH có chất lượng cao, thoả mãn tốt nhu cầu của khách hàng.
Có thể nói rằng, xu thế phát triển mới đã làm nảy sinh xu hướng và tốc độ cạnh tranh mới. Cuộc đua tranh hiện nay đang và sẽ còn sôi nổi hơn bao giờ hết trên thương trường. Phần thắng chắc chắn sẽ thuộc về những công ty, những quốc gia có chiến lược kinh doanh đúng đắn, trong đó có chiến lược vì chất lượng.
Sự thay đổi gần đây trên toàn thế giới đã tạo ra nhiều thách thức mới trong kinh doanh khiến các doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của chất lượng. Để thu hút khách hàng, các doanh nghiệp cần phải đưa chất lượng vào nội dung quản lý. Ngày nay, hầu hết các khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn đều mong mỏi được cung cấp những sản phẩm có chất lượng thoả mãn và vượt sự mong muốn của họ. Các chính sách bảo hành hay sẵn sàng đổi lại sản phẩm không phù hợp, từng được coi là chuẩn mực một thời, nay cũng không đáp ứng yêu cầu, vì điều kiện này cũng có nghĩa là chất lượng không được ổn định. Sửa chữa hay đổi lại sản phẩm không phù hợp đều đem lại tổn thất nào đó, không ít thì nhiều, cho người sử dụng. Một doanh nghiệp luôn luôn cung cấp những sản phẩm như vậy chắc chắn sẽ không có sức cạnh tranh trên thị trường ngày nay.
Nếu như trong những năm trước đây, các quốc gia còn dựa vào các hàng rào thuế quan để bảo vệ sản xuất trong nước thì ngày nay trong bối cảnh toàn cầu hoá mạnh mẽ, mọi nguồn lực và sản phẩm ngày càng tự do vượt biên giới quốc gia.
Toàn cầu hoá có thể đặc trưng bởi các điểm sau đây:

  • Hình thành thị trường tự do khu vực và quốc tế;
  • Phát triển mạnh mẽ các phương tiện giao dịch, chuyên chở với giá rẻ, đáp ứng nhanh;
  • Các doanh nghiệp và các nhà quản lý năng động hơn;
  • Hệ thống thông tin đồng thời và rộng khắp;
  • Đòi hỏi chất lượng toàn diện.

Những xu thế thay đổi về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa hiện nay trên thế giới

Xu hướng cũ
Kiểm tra/bảo hành SP
Xu hướng mới
SP chất lượng cao & ổn định
Hàng rào thuế quan Hàng rào kỹ thuật
Cạnh tranh bằng giá Cạnh tranh bằng chất lượng
Phạm vi quốc gia Khu vực/thế giới
Công cụ pháp lý Công cụ kinh tế
Thanh tra Hậu kiểm

Các đặc điểm trên đã khiến chất lượng trở thành một yếu tố cạnh tranh mang tính quyết định. Các doanh nghiệp đã chuyển vốn và sản xuất vào những quốc gia có khả năng đem lại lợi nhuận cao hơn. Sản phẩm có thể được thiết kế tại một quốc gia, sản xuất tại một quốc gia khác và thị trường là toàn cầu. Các nhà sản xuất, phân phối và khách hàng ngày nay có quyền lựa chọn sản phẩm có chất lượng với giá cả phù hợp từ mọi nơi trên thế giới. Cuộc cạnh tranh toàn cầu đã và sẽ trở nên mạnh mẽ với quy mô và phạm vi ngày càng lớn. Sự phát triển của khoa học, công nghệ hôm nay đã cho phép các nhà sản xuất nhạy bén có khả năng đáp ứng ngày càng cao nhu cầu khách hàng, tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Đối với các nước đang phát triển và cả các nước công nghiệp, các nguồn lực tự nhiên không còn là chìa khoá để đem lại sự phồn vinh. Thông tin, kiến thức và một khối lượng đông đảo nhân viên có kỹ năng, có nền văn hóa và một tác phong làm việc công nghiệp mới là những nguồn thực sự mang lại sức cạnh tranh. Nhiều quốc gia không có nguồn tài nguyên dồi dào đã bù đắp lại bằng lực lượng lao động có trình độ cao, đào tạo huấn luyện kỹ càng. Lịch sử hiện đại đã chứng tỏ một quốc gia không có lợi thế về tài nguyên có thể trở thành quốc gia hàng đầu về chất lượng.
Như vậy, trong môi trường phát triển kinh tế hội nhập ngày nay, cạnh tranh trở thành một yếu tố mang tính quốc tế đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, doanh nghiệp. Khả năng cạnh tranh được thể hiện thông qua hai chiến lược cơ bản là chuyên biệt hoá sản phẩm và chi phí thấp. Chất lượng sản phẩm đã và đang trở thành một trong những chiến lược quan trọng nhất làm tăng năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp.
Chất lượng sản phẩm tạo ra sức hấp dẫn thu hút người mua, khi sản phẩm chất lượng cao, ổn định, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng sẽ tạo ra một biểu tượng tốt, tạo ra niềm tin cho khách hàng vào nhãn mác của sản phẩm. Nâng cao vị thế của quốc gia trên thị trường nhờ chất lượng cao là cơ sở cho khả năng duy trì và mở rộng thị trường, tạo sự phát triển lâu dài.
Trong điều kiện hiện nay, nâng cao chất lượng sản phẩm là cơ sở quan trọng cho việc đẩy mạnh quá trình hội nhập, giao lưu kinh tế và mở rộng trao đổi thương mại quốc tế của các quốc gia.

 



Bình luận
Gửi câu hỏi
Tin liên quan
Tin nổi bật
icon zalo
0937.619.299