Phong trào năng suất Nhật Bản
Chat Zalo
Chat ngay

Phong trào năng suất Nhật Bản

Tác giả: ISOCUS | 15-04-2017, 11:52 am
Phong trào năng suất Nhật Bản bắt đầu vào năm 1955 sau khi Trung tâm Năng suất Nhật Bản...

Phong trào năng suất Nhật Bản bắt đầu vào năm 1955 sau khi Trung tâm Năng suất Nhật Bản (Japan productivity Center – JPC) được thành lập.

Thời điểm này là bước chuyển biến quan trọng của nền kinh tế Nhật Bản. Nhưng khi đó, Nhật Bản vẫn là một nước nghèo nhất trên thế giới với GDP bình quân đầu người 270$/năm. Thiết bị, công nghệ lạc hậu rất nhiều so với các nước phương Tây.
Trong thời gian đó, nền kinh tế Tây Âu đã được hồi phục khá mạnh mẽ, khắc phục hậu quả của Thế chiến thứ II bằng việc áp dụng công nghệ tiến bộ của Mỹ nhờ chương trình hỗ trợ Marshall mà thực chất đó là các hoạt động phát triển năng suất. Những nhà lãnh đạo Nhật Bản lúc đó đã quan sát rất kỹ những diễn biến ở Tây Âu và đã bị thuyết phục bởi tính cần thiết phát triển các hoạt động tương tự như vậy ở Nhật Bản. Năm 1955 Chính phủ Nhật Bản và Mỹ trao đổi chính thức chương trình hợp tác kỹ thuật và JPC đã chính thức được thành lập.
Các hoạt động chính của JPC nhằm thúc đẩy phong trào năng suất tại Nhật Bản
– Thực hiện các nghiên cứu về lý thuyết và thực hành về năng suất, cải tiến năng suất và các vấn đề kinh tế xã hội.
– Xây dựng các chương trình đào tạo, tư vấn cho các doanh nghiệp nhằm giúp cho các doanh nghiệpc có các kiến thức quản lý, cải tiến năng suất, nâng cao chất lượng các hoạt động.
– Trao đổi và chuyển giao kinh nghiệm, kiến thức, công nghệ, phương pháp, giúp các doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện hơn và thích ứng hơn với những thay đổi của môi trường kinh doanh và tạo ra được những thay đổi.
– Tuyên truyền, phổ biến, cập nhật những thông tin và kiến thức mới cho các doanh nghiệp thông qua ban hành các ấn phẩm.
– Xây dựng và phát triển các hệ thống thông tin phục vụ cho cải tiến năng suất.
– Góp phần xây dựng các chính sách xã hội, chính sách lao động và quan hệ giữa lao động – quản lý.
– Xúc tiến các hoạt động về năng lượng và môi trường .
– Hỗ trợ các cải cách trong quản lý và tăng cường tính cạnh tranh của doanh nghiệp
Các chương trình năng suất quốc gia Nhật Bản
Nhờ có sự hợp tác giữa các tổ chức công đoàn, các nhà quản lý, các nhà khoa học, JPC đã có những đóng góp ý nghĩa vào sự phát triển kinh tế của Nhật Bản và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Phong trào năng suất được định hướng theo 3 nguyên tắc cơ bản:1) an toàn và phát triển việc làm cho người lao động; 2) hợp tác giữa lao động và người quản lý thông qua những thỏa thuận chung, 3) chia sẻ công bằng thành quả của năng suất. Phong trào năng suất với những nguyên tắc này đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong hơn 50 năm qua, đặc biệt trong việc vượt qua và giải quyết những mâu thuẫn và những gánh nặng quá mức của người công nhân trong nền kinh tế thị trường.
Trong những giai đoạn đầu, các hoạt động của JPC tập trung vào việc cử các đoàn nghiên cứu học hỏi tại Mỹ và các nước phương Tây. JPC cũng được sự hỗ trợ về tài chính của Mỹ cho đến năm 1961. Quá trình học hỏi đã mở mang rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm cho các chuyên gia Nhật Bản và thúc đẩy mạnh mẽ cho phong trào năng suất những năm tiếp theo. Những chuyên gia được cử đi nước ngoài học tập, khi trở về nước đã đệ trình các báo cáo, tổ chức các hội thảo, diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm. Vì vậy các hoạt động của JPC đã được mở rộng rất nhiều như việc xuất bản sách, tạp chí, bản tin …, tổ chức các hội thảo, các khóa đào tạo, xuất bản các ấn phẩm thống kê năng suất định kỳ. Ngoài ra, JPC mời các chuyên gia Mỹ và Châu Âu về giảng dạy trên quy mô toàn quốc, đồng thời hình thành mạng lưới hợp tác cùng hỗ trợ phát triển các chương trình năng suất. Thông qua các hoạt động này, nhận thức về năng suất được truyền bá trên toàn nước Nhật Bản một cách nhanh chóng.
Các thành tựu đạt được:
Qua hơn 60 năm phát triển, Các chương trình năng suất quốc gia Nhật Bản đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển công nghiệp Nhật Bản. Một số thành quả chính như sau:
– Mối quan hệ lao động – quản lý được cải thiện, chuyển từ đối đầu sang hợp tác, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau;
– Các kiến thức về quản lý đã được thay đổi, bằng việc nhấn mạnh vào sự đóng góp của người lao động;
– Với quan điểm an toàn công việc và tuyển dụng làm việc lâu dài, việc đào tạo dài hạn và phát triển nguồn nhân lực được các tổ chức nhận thức và chấp nhận rộng rãi;
– Chất lượng trở thành trách nhiệm của mọi người, khuyến khích được việc sử dụng các công cụ kiểm soát chất lượng, phát triển các mô hình kiểm soát chất lượng theo phong cách Nhật Bản.
Cho tới hiện nay, 3 nguyên tắc cơ bản vẫn được giữ vững, trong đó nguyên tắc “sự hợp tác giữa người lao động và người quản lý thông qua thỏa thuận chung” trở nên đặc biệt quan trọng ở Nhật Bản, khi Nhật Bản phải đối diện với những thử thách mới: thách thức của môi trường toàn cầu và sự toàn cầu hóa, những phát triển đột phá về công nghệ thông tin (IT), sự giảm đi về dân số và một xã hội với dân số đang già đi. Sự giảm dân số và dân số đang già đi đồng nghĩa với một nền kinh tế đang thụt lùi và suy giảm lực lượng lao động.
Nhằm giải quyết những vấn đề hiện tại và tạo ra một nền kinh tế Nhật Bản hội nhập quốc tế trong khi vẫn đẩy mạnh được khả năng cạnh tranh và phát triển ổn định, việc cải tiến năng suất tổng thể thông qua đổi mới ở tất cả các lĩnh vực là cần thiết. Chiến lược phát triển thông qua sự hợp tác giữa người lao động và người quản lý ở các ngành công nghiệp và các công ty vẫn là một chiến lược quan trọng để duy trì một môi trường làm việc tốt đạt được năng suất cao.
Định hướng mới cho các chương trình năng suất quốc gia:
Phong trào năng suất Nhật Bản hiện nay theo hướng năng suất trí tuệ, năng suất xã hội và năng suất môi trường, phát triển năng suất tổng thể nhằm “tạo ra một xã hội với sự tin cậy và sức mạnh”. Các chủ đề của các chương trình năng suất nhấn mạnh vào:
1) nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực châu Á thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa các Tổ chức năng suất quốc gia hoặc các tổ chức liên quan khác trong các nước thành viên của Tổ chức Năng suất Châu Á;
2) Chia sẻ kinh nghiệm về năng suất với các nước Châu Phi;
3) Vận dung các lý thuyết quản lý trên thị trường và bối cảnh thực tế;
4) Xúc tiến hoạt động quản lý chất lượng, hoạt động đổi mới tại các tập đoàn kinh doanh và khu vực hành chính công;
5) Nâng cao sự cân bằng trong đời sống và 6) Các nỗ lực cải tiến quản lý tại các địa phương.
Bên cạnh đó, trong chiến lược phát triển năng suất, Nhật Bản đặc biệt nhấn mạnh vào nâng cao năng suất trong ngành dịch vụ. Nhiệm vụ này cũng nằm trong chiến lược phát triển năng suất quốc gia. Năng suất lao động hiện nay trong lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản chỉ bằng 60% năng suất lao động tại Mỹ và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của quốc gia đạt mức thấp. Nhằm cải tiến năng suất trong ngành dịch vụ, chương trình năng suất quốc gia tiếp cận theo hướng lấy năng suất trí tuệ làm trung tâm, trong đó tập trung vào Năng suất các yếu tố tổng hợp, sử dụng các kiến thức và kinh nghiệm từ sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh tiêu chuẩn hóa và ứng dụng công nghệ thông tin.



Bình luận
Gửi câu hỏi
Tin liên quan
Tin nổi bật
icon zalo
0937.619.299