Một số quan niệm phiến diện về năng suất
Chat Zalo
Chat ngay

Một số quan niệm phiến diện về năng suất

Tác giả: ISOCUS | 15-04-2017, 11:52 am
Có rất nhiều quan niệm nhìn nhận phiến diện về bản chất năng suất nhưng cũng có những quan...

Có rất nhiều quan niệm nhìn nhận phiến diện về bản chất năng suất nhưng cũng có những quan niệm sai về vấn đề này. Thực tế tại Việt Nam hiện nay, thuật ngữ năng suất vẫn được nhiều người cho rằng nó gắn với sản lượng, hơn thế nữa là gắn liền với sản xuất nông nghiệp.

Kể cả trong sản xuất công nghiệp, không ít người còn chưa hiểu hết bản chất và ý nghĩa của năng suất trong hoạt động sản xuất hàng ngày. Dưới đây là một số vấn đề cần chú ý:
Năng suất không đồng nghĩa với sản lượng. Sản lượng là chỉ số lượng đầu ra được tạo ra (chẳng hạn số lượng máy tính được sản xuất, số khách hàng được phục vụ v.v.) còn năng suất là chỉ số đầu ra so với mỗi đơn vị đầu vào để tạo ra lượng đầu ra đó. Tăng sản lượng không có nghĩa là nhất định năng suất sẽ tăng.
Lấy một ví dụ đơn giản, một công ty có 100 công nhân và sản lượng năm 2014 có giá trị là một triệu USD. Năm 2015, công ty tuyển thêm 100 công nhân nữa (tổng số 200) và giá trị sản lượng tăng lên là 1,5 triệu USD. Như vậy, rõ ràng sản lượng năm 2015 tăng gấp 1,5 lần so với năm 2014. Nhưng dưới góc độ năng suất, năng suất lao động của công ty là 10 ngàn USD/công nhân vào năm 2014 (một triệu USD/100) thì năm 2015 chỉ còn là 7,5 ngàn USD/công nhân (1,5 triệu USD/200). Rõ ràng, năng suất của công ty giảm 2 500 USD, thể hiện của việc tăng tỷ lệ đầu vào cao hơn tốc độ tăng tỷ lệ đầu ra.

Nguyên nhân của hiện tượng này có thể được giải thích với nhiều lý do như phương pháp sản xuất chưa hiệu quả, thiếu máy móc hay thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ v.v. Kết quả là sản lượng tăng nhưng năng suất lại giảm.
– Năng suất không chỉ là tăng hiệu suất làm việc.
Nhiều công ty đã áp dụng một cách máy móc công thức tính năng suất mà cho rằng năng suất sẽ cao nếu đầu ra tăng và giảm đầu vào. Có nhiều lý do cho thấy đây là quan niệm không đúng về năng suất.
Thứ nhất, cách nghĩ này có thể là nguyên nhân của việc nhiều nhà quản lý luôn thúc ép nhân viên của mình làm việc nhiều hơn, vất vả hơn hoặc thậm chí cắt giảm chi tiêu của nhân viên với mục đích để “năng suất cao hơn”. Chỉ số năng suất có thể tăng nhưng đây không phải là cách tăng năng suất theo mong muốn. Theo đuổi mục tiêu tăng trưởng năng suất không phải là tạo ra sự bất hoà giữa người lao động và nhà quản lý; ngược lại, nó phải thúc đẩy cả hai bên cùng nỗ lực hướng tới việc tăng đầu ra.
Thứ hai, năng suất cao hơn có thể đạt được nhưng lại với chi phí chất lượng cao. Chẳng hạn một người đánh máy chữ có thể tăng tốc độ đánh lên 50% nhưng sẽ chẳng có ý nghĩa khi số lỗi cũng tăng lên gấp đôi. Một doanh nghiệp không thể được coi là có năng suất nếu nó sản xuất một lượng hàng lớn nhất có thể với thời gian sản xuất ngắn nhất nhưng với nhiều sản phẩm lỗi, kém chất lượng và không được chấp nhận bởi khách hàng.
Thứ ba, một sản phẩm có thể được sản xuất với hiệu suất rất cao nhưng lại không đáp ứng yêu cầu khách hàng hoặc thị trường không chấp nhận thì cũng không thể coi là có năng suất. Ví dụ, một công ty sản xuất giá trị hàng hoá 1000 USD với giá nguyên vật liệu thấp nhất và thời gian sản xuất ngắn nhất có thể. Giả sử chi phí đầu vào là 500 USD. Về lý thuyết, năng suất (P) của công ty sẽ là: P = 1000/500 = 2
Nhưng công ty chỉ tiêu thụ được 700 USD giá trị hàng hoá còn 300 USD không đáp ứng yêu cầu khách hàng, hoặc nhu cầu thị trường chỉ là 700 USD giá trị hàng hoá (công ty đã dự đoán sai nhu cầu thị trường). Năng suất thực của công ty sẽ chỉ còn là: P =700/500 = 1,4
Như vậy theo cách tiếp cận này, công thức tính năng suất sẽ không chỉ đơn thuần là mối quan hệ giữa đầu ra và đầu vào. Đầu ra bây giờ phải là đầu ra có giá trị (sản phẩm tiêu thụ được). Ta sẽ có công thức mới: Năng suất = Đầu ra có giá trị (tiêu thụ được) / Đầu vào
Rõ ràng, trong cơ chế thị trường, điều quan trọng bậc nhất mang tính sống còn đối với doanh nghiệp là phải có khách hàng – tức là hàng hoá phải tiêu thụ được. Việc sản xuất ra để ứ đọng thể hiện chiến lược kinh doanh không thích hợp, có thể do việc hoạch định kinh doanh còn yếu, do dự đoán sai nhu cầu thị trường hay không thoả mãn được yêu cầu của khách hàng. Tất cả các lý do đó đều gây ra những hệ quả xấu tới doanh nghiệp, cụ thể là làm giảm năng suất hoạt động.
– Khái niệm năng suất không chỉ gắn với lĩnh vực sản xuất.
Trong hoạt động dịch vụ cũng có thể sử dụng khái niệm năng suất để đo lường hiệu quả hoạt động. Năng suất cũng không chỉ được hiểu ở phạm vi hẹp là năng suất lao động. Tất cả mọi nguồn lực như thiết bị, nhiên liệu, nguyên vật liệu v.v. đều là đối tượng để có thể khai thác một cách có hiệu quả.
– Một sự nhầm lẫn khác có thể xảy ra là mối quan hệ giữa năng suất với khả năng sinh lời.
Năng suất không hoàn toàn đồng nghĩa với khả năng sinh lợi năng suất đạt được là nhờ những nỗ lực chủ quan trong khi khả năng sinh lời có thể đạt được do những yếu tố khách quan như sự thay đổi về giá nguyên vật liệu trên thị trường, thay đổi về tỷ giá ngoại tệ hay những biến động khác nằm ngoài sự kiểm soát của doanh nghiệp. Tuy vậy, hai yếu tố này lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
– Nhiều quan niệm cho rằng năng suất và chất lượng là một sự thoả hiệp.
Tức là, nếu tăng một yếu tố sẽ ảnh hưởng đến yếu tố kia và ngược lại. Điều này càng được khẳng định khi năng suất được xem là sản xuất nhiều hơn, với tốc độ nhanh hơn mà không cần tính đến yếu tố chất lượng. Nếu hiểu theo nghĩa này thì việc chú ý đến chất lượng sẽ làm giảm tốc độ công việc và giảm đầu ra. Nhưng nếu chúng ta nhận thấy rằng, chất lượng cao hơn cho phép tỷ lệ sản phẩm lỗi ít hơn, giảm thiểu lãng phí, làm lại ít hơn, chi phí thấp hơn và tiêu thụ sẽ nhiều hơn. Kết quả là năng suất cao hơn. Như vậy ta có thể thấy năng suất và chất lượng như là hai mặt của một đồng xu, chúng luôn đồng hành với nhau.



Bình luận
Gửi câu hỏi
Tin liên quan
Tin nổi bật
icon zalo
0937.619.299