Xã hội ngày càng phát triển, kinh tế hóa toàn cầu càng tăng nhanh, kéo theo đòi hỏi của người tiêu dùng càng cao hơn. Sự cạnh tranh khốc liệt đó nếu không có tiêu chuẩn thì xã hội sẽ không thể phát triển theo chiều sâu được
Thay đổi không phải là điều gì mới mẻ. Vào năm 1964, Bob Dylan - một người đã đoạt giải Nobel có hát rằng "thời gian là một chữ biến...". Sự khác biệt ngày hôm nay là tốc độ thay đổi. Trong cuốn sách “Cảm ơn vì đã trễ: Chỉ dẫn để phát triển trong kỷ nguyên tăng tốc của một người lạc quan” của mình, Thomas Friedman nhìn thế giới ở một bước ngoặt. Ông tin rằng công nghệ, toàn cầu hoá và biến đổi khí hậu đang định hình lại các định chế của chúng ta - một cách nhanh chóng. Như ông đã chỉ rõ, đây là một “kỷ nguyên tăng tốc” và chúng ta cần phải cố gắng bắt kịp hoặc phải đối mặt với nguy cơ bị bỏ lại phía sau.
Với suy nghĩ của Friedman về "tăng tốc" về công nghệ và những gián đoạn mà nó có thể gây ra, cần thiết phải xem xét các tác động đối với "cơ chế chuẩn hoá". Thứ nhất, đâu là vị thế chính xác của tiêu chuẩn quốc tế trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay? Thứ hai, sự hợp tác giữa các tổ chức có làm rõ thêm điều gì liên quan đến bản chất và tác động của thương mại thế giới hay không?
Để trả lời cho những câu hỏi này, hãy xem xét một thực tế đơn giản rằng toàn cầu hoá đang kết nối các nền kinh tế và văn hoá trên toàn thế giới ở một cấp độ chưa từng thấy trước đây. Theo như nhận định của Friedman, toàn cầu hoá là một trong những lực lượng của “kỷ nguyên tăng tốc". Tuy nhiên, toàn cầu hóa có ý nghĩa gì nếu như hoạt động thương mại trên phạm vi toàn cầu không thể dựa vào tiêu chuẩn?
Tôi đặt vấn đề này với Erik Wijkström, Tham tán, Phòng Thương mại và Môi trường của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và Paramita Dasgupta, Giám đốc thực thi vì Thương mại và Khả năng cạnh tranh cho Khu vực Châu Á của Ngân hàng Thế giới, và nói với họ về tác động của những thay đổi này đối với Tiêu chuẩn quốc tế - và vai trò của các tiêu chuẩn quốc tế trong tương lai kinh tế của chúng ta.
Sản xuất trên thế giới
Ta có thể tìm thấy bằng chứng cho những thay đổi cơ bản mà Friedman mô tả trong cuốn sách của ông ở xung quanh chúng ta, trong mọi phần của cuộc sống. Ngày nay, các công ty phân chia hoạt động của họ trên toàn thế giới, từ khâu thiết kế sản phẩm và sản xuất linh kiện cho đến khâu lắp ráp và tiếp thị, tạo ra các dây chuyền sản xuất quốc tế.
Ngày càng có nhiều sản phẩm được “Sản xuất trên thế giới” hơn là “Sản xuất tại Anh” hay “Sản xuất tại Pháp”. Toàn cầu hóa đang kết nối các nền kinh tế và văn hóa trên toàn thế giới. Ví dụ, một chiếc ô-tô được bán tại Canada có thể đã được thiết kế tại Pháp, với các bộ phận được sản xuất tại Úc. Một chiếc quần được bày bán tại Anh có thể được các nhân công Thái Lan sản xuất từ vải của Nam Phi.
Bản chất của thương mại toàn cầu lại một lần nữa chuyển đổi. Wijkström chia sẻ: “Trong một thế giới với thuế và chi phí vận tải thấp hơn, cơ cấu thương mại đã thay đổi, việc sản xuất ngày càng được chia nhỏ và phân tán; các thành phần của sản phẩm được sản xuất ở một vài quốc gia, qua một vài công ty trước khi được tập hợp lại thành sản phẩm cuối cùng để đưa đến tay khách hàng - cơ cấu thương mại thường được biết đến như chuỗi giá trị toàn cầu.”
Ông cho rằng xu hướng này khiến cho việc sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế càng trở nên quan trọng. Theo ông, việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế “cung cấp lòng tin cần thiết cho người mua và người bán dọc theo chuỗi giá trị về tính tương thích và an toàn của các yếu tố đầu vào.”
Khi mà thành công hay thất bại ở một nơi có thể ảnh hưởng đến người dân trên toàn cầu, sự phụ thuộc lẫn nhau này mang lại những hệ quả sâu sắc đối với các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, với việc sử dụng tiêu chuẩn quốc tế đang thu hút được sự chú ý trong thương mại toàn cầu, bước đột phá thực sự đang ở phía trước.
Wijkström nói rằng các tiêu chuẩn đã quá phổ biến đến mức cách tốt nhất để giải thích sự hữu ích của chúng là chỉ ra các vấn đề phát sinh khi không có tiêu chuẩn. Ví dụ: phích cắm không phù hợp, giấy kẹt trong máy in - hoặc, hãy tưởng tượng máy tính xách tay với các loại cổng khác nhau cho ổ đĩa flash hoặc thẻ tín dụng có kích thước khác nhau.
Thay đổi về cơ cấu thương mại toàn cầu càng làm tăng thêm tầm quan trọng của các vấn đề này. Ông chia sẻ “Việc thuế bằng không cũng không mang lại lợi ích gì nếu như sản phẩm được giao dịch không “phù hợp” với thiết bị hay thành tố khác, hoặc độ an toàn và chất lượng của sản phẩm không đủ tin cậy.”
Các thách thức và rào cản
Tuy nhiên, bức tranh không phải chỉ toàn một màu hồng. Trong khi tự do hóa thương mại đang giúp giảm thuế trong thương mại quốc tế, thì tầm quan trọng của các biện pháp phi thuế quan tại các quốc gia trên toàn thế giới lại đang tăng lên. So với thuế quan, các biện pháp này thường kém minh bạch hơn và mang lại những tác động mơ hồ đối với thương mại. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng các thực hành, quy định, chính sách hay luật của chính phủ có thể là hoàn toàn hợp lý - như trong trường họp giúp hạn chế dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm (an toàn thực phẩm) hay hạn chế độc tố trong đồ chơi (sức khỏe trẻ em). Các quy tắc của WTO cố gắng giảm bớt các biện pháp có thể gây ra cản trở không cần thiết đối với việc tiếp cận thị trường trong khi không cản trở những biện pháp mang lại hiệu quả trong việc đạt được các mục tiêu chính sách công.
Nội dung trọng tâm gần đây của Ủy ban WTO về hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (hay Ủy ban TBT) về việc chứng minh sự phù hợp với tiêu chuẩn đã “nhấn mạnh các khó khăn có liên quan đến hàng rào phi thuế quan”, Wijkström nói. Ông bổ sung, trong thực tế, điều này có thể là loại bỏ các biện pháp liên quan đến quá nhiều các thủ tục quan liêu hay đòi hỏi quá nhiều thời gian chờ đợi ở biên giới (Thoả thuận Thuận lợi hoá Thương mại), tránh các yêu cầu thử nghiệm trùng lặp (rào cản kỹ thuật đối với Hiệp định Thương mại), hoặc đảm bảo rằng các giới hạn dư lượng thuốc trừ sâu không được ấn định một cách tùy tiện mà dựa trên cơ sở khoa học vững chắc (Hiệp định vệ sinh và kiểm dịch động thực vật).
Tuy nhiên có một vấn đề, Wijkström cảnh báo, việc không thể chứng minh sự phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn và quy chuẩn có thể trở thành một rào cản đáng kể cho các công ty muốn tham gia vào thương mại quốc tế, có nghĩa là “ngắt kết nối” những người chơi khỏi các chuỗi giá trị. "Ở đây, những người chơi nhỏ hơn (các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến từ các nước đang phát triển) chính là nhưng đối tượng đặc biệt dễ tổn thương”. “Đối với họ chi phí để tuân thủ hay chứng minh sự phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn, quy chuẩn - hoặc thậm chí chỉ đơn giản là thu thập thông tin về các yêu cầu của thị trường nước ngoài - có thể là một gánh nặng”.
Để giải quyết vấn đề này, WTO, Vụ Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (UN DESA) và Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) đã hợp lực và khởi động một cơ chế cảnh báo mới gọi là ePing nhằm giúp đỡ các bên liên quan (chính phủ, các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và dân sự) theo dõi các yêu cầu về sản phẩm ở các thị trường nước ngoài.
Đây cũng là lý do tại sao WTO ủng hộ việc sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế. “Thật vậy, việc sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan được khuyến khích mạnh mẽ trong các nguyên tắc của WTO vì chúng có thể cung cấp cơ sở vững chắc cho việc điều chỉnh các quy định của chính phủ và hơn nữa, chúng thường đại diện cho sự đồng thuận cao về cách giải quyết các vấn đề kỹ thuật cụ thể một cách có hiệu quả (và ít gây cản trở tới thương mại),” Wijkström nói.
Để hiểu được giai đoạn mới ở phía trước của thương mại toàn cầu, điều đầu tiên cần hiểu là các tiêu chuẩn quốc tế có thể giúp ích như thế nào. Paramita Dasgupta nói các tiêu chuẩn là một bộ phận không thể tách rời của thương mại quốc tế, và thương mại là một thành phần quan trọng để đạt được tăng trưởng kinh tế.
“Các tiêu chuẩn tạo ra sự tự tin về chất lượng và sự an toàn của các sản phẩm được giao dịch (đặc biệt là đối với các sản phẩm từ các nước đang phát triển) bằng cách chứng minh rằng chúng tuân thủ một số yêu cầu nhất định, nâng cao tầm quan trọng của các vấn đề về môi trường, giúp bảo vệ người tiêu dùng khỏi các thực hành có hại và giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ cạnh tranh trên sân chơi quốc tế thông qua phổ biến công nghệ và thực hành tốt nhất.”
Các thay đổi về kiến tạo của nền kinh tế hiện đại đã làm rõ vai trò quan trọng của tiêu chuẩn quốc tế trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, giải quyết bất bình đẳng và giúp giải quyết một số thách thức lớn về xã hội và môi trường mà Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs) nhắm đến.
Dasgupta cho biết: cộng đồng quốc tế cam kết giải quyết các rào cản tiếp cận thị trường một cách bền vững và có hệ thống. Ví dụ, SDG 17 về tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu cho phát triển bền vững bao gồm cam kết tăng xuất khẩu của các nước đang phát triển và tăng cường tiếp cận thị trường cho hàng hóa xuất khẩu từ các nước kém phát triển nhất. Một khi điều này xảy ra, bà cho biết thêm, một số mục tiêu của SDG 17 liên quan đến thương mại sẽ dẫn đến việc hoàn thành Chương trình Nghị sự Phát triển Doha của WTO - vòng đàm phán thương mại với một trong các mục tiêu chính là tìm kiếm khả năng cải thiện tiếp cận thị trường đối với xuất khẩu từ các nước đang phát triển.
Sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong việc định hình phản ứng đối với các SDGs trong nền kinh tế kết nối có thể là quyết định tốt nhất từng được đưa ra. Cụ thể, nếu hợp tác quốc tế về SDG mang lại kết quả, các thành viên cận biên nhất của xã hội sẽ nhận được phần thưởng. Sự thành công này sẽ là một thắng lợi cho tất cả mọi người.
Tầm quan trọng của việc áp dụng tiêu chuẩn xét trên nhiều khía cạnh là một thực tế không cần bàn cãi. “Các tiêu chuẩn quốc tế có tác động lớn đến việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, giúp đưa ra các thực hành quản lý tốt và thúc đẩy mở cửa thương mại quốc tế thông qua giảm các rào cản kỹ thuật - tất cả những điều này đều là ưu tiên hàng đầu của Nhóm Ngân hàng Thế giới”, Dasgupta chia sẻ.
Cũng theo Dasgupta, trong thế giới đang đổi thay nhanh chóng này, quan hệ đối tác là cần thiết đối với các tổ chức như ISO để có thể thích ứng với những thách thức về việc tiếp cận thị trường. “Sự hợp tác giữa ISO và Nhóm Ngân hàng Thế giới là một ví dụ tuyệt vời cho điều này: nó cho phép khách hàng của chúng tôi tiếp cận được với chuyên môn kỹ thuật của ISO. Các ưu tiên chung của chúng tôi bao gồm các hoạt động phân tích, hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp đào tạo và tổ chức sự kiện”, bà nói.
Nhóm Ngân hàng Thế giới cũng tin rằng sự hợp tác của khu vực tư nhân là trọng tâm của chương trình nghị sự về tiêu chuẩn. Có sự thay đổi trong cách các đối tác phát triển thiết kế và thực hiện các hoạt động để giúp các công ty ở các nước đang phát triển sử dụng tiêu chuẩn để tham gia vào thương mại. Người ta đã nhận ra rằng quan hệ đối tác nhà nước - tư nhân không còn đơn giản là một lựa chọn nữa - nó là điều thiết yếu.
Nhìn về phía trước
Dĩ nhiên, các rào cản thương mại không phải là dấu chấm hết của thương mại. Thay vào đó, như Dasgupta đã chỉ ra, điều này đòi hỏi các liên minh mới giữa các tổ chức và sự hợp tác quốc tế. Việc chuyển đổi từ một chương trình nghị sự thế giới đầy hứa hẹn thành hiện thực đòi hỏi thế giới phải tiến lên phía trước. Nói cách khác, thành công đòi hỏi phải có sự hợp tác.
Thương mại công bằng và cởi mở mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta. Tiêu chuẩn quốc tế mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta. Nó là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững trong một thế giới đang gắn kết chặt chẽ với nhau hơn bao giờ hết. Thế giới chúng ta đang sống không hoàn hảo nhưng nó đang là thế giới hoàn hảo nhất có thể. Lịch sử cho thấy, về lâu dài, chúng ta đã chung tay mang lại hiệu quả của những tiến bộ và thay đổi.
Cùng nhau chúng ta có thể giảm bớt rào cản thương mại và tạo môi trường đầu tư và kinh doanh minh bạch và ổn định hơn, và do đó tác động đến những thay đổi thực sự cho người dân và thế giới. TRong tương lại, vai trò của các tiêu chuẩn quốc tế đối với nền kinh tế sẽ ngày càng tăng. Vì vậy, hãy làm việc cùng nhau để theo kịp, hoặc bị bỏ lại phía sau ...
Nguồn: ISO