Đặc điểm quan trọng của trách nhiệm xã hội trong iso 26000 là sự tự nguyện của tổ chức kết hợp những xem xét về xã hội và môi trường trong việc đưa ra quyết định và có thể giải trình được những tác động của các quyết định và hoạt động của tổ chức đối với xã hội và môi trường.
Điều này hàm ý cả hành vi minh bạch và có đạo đức đóng góp vào sự phát triển bền vững, có tính đến quyền lợi của các bên liên quan, phù hợp với luật pháp cũng như nhất quán với chuẩn mực ứng xử quốc tế, và được tích hợp trong toàn bộ tổ chức cũng như thực hành trong các mối quan hệ của tổ chức.
Trách nhiệm xã hội bao gồm sự hiểu biết về những mong muốn rộng hơn của xã hội. Nguyên tắc cơ bản của trách nhiệm xã hội là tôn trọng nguyên tắc luật pháp và tuân thủ những quy định ràng buộc về pháp lý. Tuy nhiên, trách nhiệm xã hội cũng đòi hỏi những hành động vượt ra ngoài sự phù hợp về pháp lý và sự thừa nhận các nghĩa vụ đối với những vấn đề không bị ràng buộc về pháp lý. Những nghĩa vụ này phát sinh ngoài những giá trị đạo đức chung và những giá trị thông thường khác.
Mặc dù mong muốn về ứng xử có trách nhiệm sẽ khác nhau giữa các quốc gia và nền văn hóa, nhưng dù sao các tổ chức cũng cần tôn trọng chuẩn mực ứng xử quốc tế như những chuẩn mực do Tuyên bố chung về nhân quyền và các công cụ khác.
Mỗi vấn đề bao gồm nhiều giải pháp khác nhau cho phép tổ chức xác định được những tác động chính của nó đối với xã hội. Tranh luận về từng giải pháp cũng mô tả những hành động nhằm vào các tác động này.
Việc nhận biết và sự tham gia với các bên liên quan là vấn đề nền tảng đối với trách nhiệm xã hội. Tổ chức cần xác định người có mối quan tâm đến các quyết định và hoạt động của nó, sao cho nó có thể hiểu được những tác động của mình và nhận biết cách thức nhằm vào chúng. Mặc dù các bên liên quan có thể trợ giúp tổ chức xác định sự thích hợp của các vấn đề cụ thể đối với hoạt động của tổ chức nhưng các bên liên quan không thay thế được xã hội trong việc xác định các chuẩn mực và mong muốn về ứng xử. Một vấn đề có thể liên quan đến trách nhiệm xã hội của tổ chức ngay cả khi không được nhận biết cụ thể bởi bên liên quan mà nó tham vấn.
Vì trách nhiệm xã hội liên quan đến những tác động tiềm ẩn và thực tế của các quyết định và hoạt động của tổ chức, nên những hoạt động thông thường hàng ngày của tổ chức tạo nên hành vi ứng xử quan trọng nhất cần được nhắm đến. Trách nhiệm xã hội cần phải là một phần gắn kết trong chiến lược tổ chức cốt lõi với những trách nhiệm và khả năng giải trình được ấn định ở mọi cấp độ phù hợp của tổ chức. Nó cần được phản ánh trong việc đưa ra quyết định và xem xét trong việc thực thi các hoạt động.
Lòng bác ái (trong ngữ cảnh này được hiểu là làm từ thiện) có thể có tác động tích cực đến xã hội. Tuy nhiên, tổ chức không nên sử dụng nó để thay thế cho sự tham gia của các bên liên quan hoặc nhằm vào bất kỳ tác động bất lợi nào của các quyết định hoặc hoạt động của tổ chức.
Những tác động của các quyết định hoặc hoạt động của tổ chức có thể chịu ảnh hưởng lớn bởi các mối quan hệ với các tổ chức khác. Một tổ chức có thể cần làm việc với các tổ chức khác để thực hiện trách nhiệm của mình. Điều này bao gồm các tổ chức đồng đẳng, đối thủ cạnh tranh (trong khi vẫn chú ý nhằm tránh cư xử chống cạnh tranh), các bộ phận khác của chuỗi giá trị hoặc bên liên quan khác trong phạm vi ảnh hưởng của tổ chức.
Dưới đây là một ví dụ mô tả cách thức ISO 26000 bao trùm các hoạt động của tổ chức nhỏ và vừa (SMO):
“Các tổ chức nhỏ và vừa là các tổ chức có số lượng lao động, hoặc quy mô hoạt động tài chính nằm dưới những giới hạn nhất định. Ngưỡng quy mô giữa các quốc gia có sự khác nhau. Với mục đích của tiêu chuẩn này, SMO bao gồm những tổ chức rất nhỏ được gọi là “vi” tổ chức.
Việc tích hợp trách nhiệm xã hội trong toàn bộ SMO có thể được tiến hành thông qua những hành động thực tế, đơn giản và hiệu quả về chi phí, và không cần phải phức tạp hay tốn kém. Nhờ có quy mô nhỏ và khả năng linh hoạt, dễ đổi mới hơn, trên thực tế, SMO có những cơ hội đặc biệt tốt đối với trách nhiệm xã hội. Các tổ chức này thường linh hoạt hơn về mặt quản lý tổ chức, thường có sự tiếp xúc gần gũi với cộng đồng địa phương và lãnh đạo cao nhất của chúng thường có ảnh hưởng trực tiếp hơn đến hoạt động của tổ chức.
Trách nhiệm xã hội bao gồm việc chấp nhận một phương pháp tích hợp để quản lý các hoạt động và tác động của tổ chức. Tổ chức cần tập trung và theo dõi những tác động của các quyết định và hoạt động của nó đối với xã hội và môi trường có tính đến cả quy mô của tổ chức và và tác động của nó. Tổ chức có thể không sửa chữa ngay được mọi hậu quả tiêu cực của các quyết định và hoạt động của mình. Do đó, cần đưa ra những lựa chọn và lập thứ tự ưu tiên.
Những xem xét dưới đây có thể hữu ích. SMO cần:
− tính đến việc những thủ tục quản lý nội bộ, báo cáo với các bên liên quan và các quá trình khác có thể linh hoạt hơn và không chính thống đối với SMO so với những đối tác lớn hơn khác của tổ chức, với điều kiện là phải đảm bảo các cấp độ minh bạch phù hợp;
− Nhận thức rằng khi xem xét cả bảy vấn đề cốt lõi và nhận biết các vấn đề liên quan, cần tính đến hoàn cảnh riêng của tổ chức, các điều kiện, nguồn lực và quyền lợi của các bên liên quan, thừa nhận rằng tất cả các vấn đề cốt lõi, nhưng không phải mọi giải pháp sẽ phù hợp với mọi tổ chức;
− Tập trung vào giai đoạn khởi đầu các vấn đề và các tác động có tầm quan trọng lớn nhất đối với sự phát triển bền vững. SMO cũng cần có kế hoạch tập trung duy trì các giải pháp và tác động một cách kịp thời;
− Tìm kiếm sự trợ giúp từ các cơ quan chính phủ liên quan, các tổ chức đoàn thể (như các hiệp hội ngành và các tổ chức ô hoặc đồng đẳng) cũng như cơ quan tiêu chuẩn quốc gia trong việc xây dựng các hướng dẫn và chương trình thực hành để áp dụng tiêu chuẩn này. Những hướng dẫn và chương trình này cần được điều chỉnh theo tính chất và nhu cầu cụ thể của SMO và các bên liên quan.
− Khi thích hợp, phối hợp hành động với các tổ chức đồng đẳng và cùng ngành chứ không hoạt động riêng rẽ, để tiết kiệm nguồn lực và tăng cường năng lực hoạt động. Ví dụ, đối với các tổ chức hoạt động trong cùng một hoàn cảnh và lĩnh vực, việc nhận biết và tham gia với các bên liên quan đôi khi sẽ hiệu quả hơn nếu có sự phối hợp.
Trách nhiệm xã hội mang lại lợi ích cho SMO vì những lý do đề cập trong tiêu chuẩn này. SMO có thể thấy rằng các tổ chức khác mà nó có mối quan hệ coi những nỗ lực hỗ trợ cho SMO là một phần trách nhiệm xã hội của bản thân họ.
Các tổ chức có năng lực và kinh nghiệm hơn về khía cạnh trách nhiệm xã hội có thể xem xét việc hỗ trợ cho các SMO, bao gồm cả việc trợ giúp họ nâng cao nhận thức về những giải pháp trách nhiệm xã hội và thực hành tốt”.
Mặc dù nhiều người sử dụng thuật ngữ trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững thay đổi cho nhau và có một mối quan hệ rất gần giữa hai thuật ngữ, nhưng chúng là hai khái niệm khác biệt.
Phát triển bền vững là một khái niệm và mục tiêu được thừa nhận chung được thừa nhận quốc tế từ sau khi bản Báo cáo của Ủy ban Môi trường và Phát triển thế giới được xuất bản năm 1987, mang tiêu đề: Tương lai chung của chúng ta Phát triển bền vững là nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội đồng thời vẫn nằm trong giới hạn sinh thái học của hành tinh, không làm hủy hoại khả năng của các thế hệ tương lai nhằm đáp ứng các nhu cầu của họ. Phát triển bền vững bao gồm ba khía cạnh − kinh tế, xã hội và môi trường − là ba khía cạnh phụ thuộc lẫn nhau; ví dụ, xóa bỏ đói nghèo đòi hỏi cả việc bảo vệ môi trường và công bằng xã hội.
Nhiều diễn đàn quốc tế đã lặp lại tầm quan trọng của những mục tiêu này trong nhiều năm kể từ 1987, như Hội nghị Liên hiệp quốc về Môi trường và phát triển năm 1992 và Hội nghị thượng đỉnh thế giới về Phát triển bền vững năm 2002.
Trách nhiệm xã hội có tổ chức vì nó tập trung và kết nối trách nhiệm của tổ chức với xã hội và môi trường. Trách nhiệm xã hội gắn kết chặt chẽ với phát triển bền vững. Vì phát triển bền vững là về mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường chung cho tất cả mọi người nên có thể được sử dụng theo cách thức tổng hợp những mong muốn rộng hơn của xã hội mà những tổ chức theo đuổi hoạt động có trách nhiệm cần tính đến. Do đó, mục tiêu bao quát của trách nhiệm xã hội của tổ chức cần phải là để đóng góp cho sự phát triển bền vững.
Những nguyên tắc, thực tiễn và vấn đề cốt lõi mô tả trong những điều dưới đây của tiêu chuẩn này tạo nên cơ sở cho việc ứng dụng thực tế của tổ chức về trách nhiệm xã hội và những đóng góp của nó cho sự phát triển bền vững. Các quyết định và hoạt động của một tổ chức trách nhiệm xã hội có thể tạo đóng góp có ý nghĩa cho sự phát triển bền vững.
Mục tiêu của phát triển bền vững là nhằm đạt được tính ổn định cho toàn xã hội và hành tinh. Nó không liên quan đến tính bền vững hay sự tồn tại của bất kỳ một tổ chức cụ thể nào. Tính bền vững của một tổ chức độc lập có thể hoặc không thể tương thích với tính bền vững của toàn xã hội, đạt được nhờ việc tập trung vào các khía cạnh xã hội, kinh tế và môi trường một cách hợp nhất. Tiêu dùng bền vững, sử dụng nguồn lực bền vững và nghề nghiệp bền vững liên quan đến sự bền vững của toàn thể xã hội.