5 điểm nhấn trong Mô hình P-D-C-A của ISO 9001:2015
Chat Zalo
Chat ngay

5 điểm nhấn trong Mô hình P-D-C-A của ISO 9001:2015

Tác giả: ISOCUS | 24-06-2019, 5:29 pm
Các thay đổi và điểm nhấn cho mục đích nâng cao tính mục đích, khả năng tích hợp hoạt động tác nghiệp này được trông đợi sẽ mang đến làn gió "hiệu quả" mới đến với các đơn vị đã và đang áp dụng HTQLCL theo ISO 9001.

 

Tiêu chuẩn ISO 9001:2008, mà về cơ bản là ISO 9001:2000, sau gần 20 năm từ khi được soạn thảo, đã không còn phản ảnh được hơi thở đương đại của quản lý chất lượng trong các tổ chức và cần được thay đổi để bắt kịp với nhu cầu hiện tại và có thể phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp, tổ chức trong những năm sắp tới. Theo Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), phiên bản 2015 của tiêu chuẩn ISO 9001, thay thế cho ISO 9001:2008, được chính thức ban hành vào cuối tháng 9 năm 2015. P&Q Solutions bắt đầu chuỗi bài phân tích các thay đổi trong tiêu chuẩn ISO 9001:2015 bằng việc phân tích Mô hình PDCA trong bố cục của tiêu chuẩn.

 

5 điểm nhấn trong Mô hình P-D-C-A của ISO 9001:2015

 

Thứ nhất:

Bối cảnh của tổ chức với các yếu tố nội bộ và bên ngoài, nhu cầu và mong đợi của các bên quan tâm liên quan đã được bổ sung như một phần “đầu vào yêu cầu” cho HTQLCL bên cạnh yêu cầu khách hàng. Điều này thể hiện quan điểm nhất quán trong việc nhất thể hóa HTQLCL với các quá trình sản xuất, kinh doanh của tổ chức, giúp cho đảm bảo HTQLCL phù hợp với và triển khai được các yếu tố môi trường nội bộ và bên ngoài doanh nghiệp, các định hướng chiến lược và nhu cầu, mong đợi của các bên quan tâm liên quan.

Thứ hai:

“Đầu ra mong đợi” của HTQLCL theo ISO 9001:2015, bên cạnh sản phẩm và dịch vụ cùng với thỏa mãn khách hàng đã bao gồm Kết quả của HTQLCL. Thay đổi này phản ảnh tính mục đích và hướng vào kết quả một cách mạnh mẽ hơn so với phiên bản 2008 và giúp đảm bảo sự nhất quán trong tiếp cận về tiếp cận quản lý rủi ro đối với chuyển đổi các “đầu vào yêu cầu” về định hướng chiến lược, nhu cầu và mong đợi của các bên quan tâm liên quan. Sự bổ sung các yếu tố “đầu vào yêu cầu” và “đầu ra mong đợi” này đã thực sự minh họa rõ và nhất quán hơn yêu cầu trong Phần 0.1 Khái quát của Lời giới thiệu về “Sự chấp nhận một hệ thống quản lý chất lượng là một quyết định chiến lược của tổ chức mà có thể giúp cải tiến tổng thể kết quả hoạt của mình và cung cấp cơ sở vững chắc cho các sáng kiến phát triển bền vững”. Ngoài ra,


Thứ ba:

Trong mô hình HTQLCL theo ISO 9001:2015, yếu tố Sự lãnh đạo không nằm trong các bước của chu trình P-D-C-A mà được đặt ở trung tâm, có mối quan hệ tác động qua lại với các nhóm yếu tố còn lại, bao gồm: Hoạch định, Hỗ trợ và Tác nghiệp, Đánh giá kết quả thực hiện và Cải tiến. Vị trí trung tâm thể hiện một cách tự nhiên và rõ ràng hơn ý nghĩa và ảnh hưởng của yếu tố “Sự lãnh đạo”, và tương ứng với nó là vai trò và trách nhiệm của lãnh đạo và quản lý các cấp trong tổ chức, trong định hướng, tạo môi trường và thúc đẩy HTQLCL.

Thứ tư:

Mặc dù ISO 9001:2008 được cho là được xây dựng bố cục và tiếp cận theo vòng tròn P-D-C-A, việc ghép các yếu tố như “Trách nhiệm của lãnh đạo”, “Quản lý nguồn lực”, “Quá trình tạo sản phẩm” và “Đo lường, Phân tích và Cải tiến” vào mô hình P-D-C-A có phần khiên cưỡng và cần “nỗ lực” nhất định trong nhận thức và thực hiện. Các yếu tố “Hoạch định”, “Hỗ trợ và Tác nghiệp”, “Đánh giá kết quả thực hiện” và “Cải tiến” trong mô hình của ISO 9001:2015 đã loại bỏ đi các nghi ngờ và các khó khăn trong thấu hiểu và thực hành P-D-C-A với HTQLCL.

Thứ năm:

Bắt kịp hơi thở của các phát triển trong quản trị doanh nghiệp, mặc dù vẫn đảm bảo mục đích đánh giá (auditable), bố cục và thuật ngữ được sử dụng trong mô hình HTQLCL ở phiên bản 2015 đã trở nên tự nhiên và gần gũi hơn với thực tế doanh nghiệp. So với những “Trách nhiệm của lãnh đạo”, “Quản lý nguồn lực”, “Quá trình tạo sản phẩm” và “Đo lường, Phân tích và Cải tiến” thì tên các phần “Hoạch định”, “Hỗ trợ và Tác nghiệp”, “Đánh giá kết quả thực hiện” và “Cải tiến” gắn sát hơn với các hoạt động quản trị sản xuất kinh doanh của tổ chức và khuôn khổ tri thức của các lĩnh vực quản lý khác. Đây có thể là một cơ sở để tin tưởng rằng các nhận thức, niềm tin và các thực hành về HTQLCL là công cụ và một phần trong hệ thống quản lý chung của tổ chức sẽ được xác lập và củng cố.

Các thay đổi và điểm nhấn cho mục đích nâng cao tính mục đích, khả năng tích hợp hoạt động tác nghiệp này được trông đợi sẽ mang đến làn gió "hiệu quả" mới đến với các đơn vị đã và đang áp dụng HTQLCL theo ISO 9001.



Bình luận
Gửi câu hỏi
Tin liên quan
Tin nổi bật
icon zalo
0937.619.299