THÔNG TIN CHI TIẾT
- MỤC TIÊU HỌC TẬP CỦA HỌC VIÊN
- Học viên phải dành thời gian nghiên cứu tài liệu của khóa; tham gia tích cực trong quá trình thảo luận nhóm trên lớp, làm bài tập tình huống trong thời gian đào tạo.
- Học viên phải tham dự đầy đủ thời lượng đào tạo, làm bài kiểm tra, bài thi theo sự hướng dẫn của giảng viên, tuân thủ nội quy học tập.
- KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG THU ĐƯỢC SAU KHÓA ĐÀO TẠO
Sau khi tham dự, học viên sẽ được trang bị những kiến thúc và những kỹ năng cụ thể như sau :
- Có kiến thức về tiêu chuẩn ISO 9001
- Hiểu được các khái niệm, nguyên tắc quản lý chất lượng.
- Hiểu được yêu cầu pháp luật Việt Nam liên quan đến chất lượng
- Hiểu được lịch sử hình thành tiêu chuẩn ISO 9001
- Hiểu được lợi ích của việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001
- Hiểu được các thuật ngữ, định nghĩa của tiêu chuẩn ISO 9001
- Hiểu được các yêu cầu cụ thể tại các điều của tiêu chuẩn ISO 9001
- Có kỹ năng đánh giá hệ thống quản lý chất lượng, bao gồm kỹ năng tìm kiếm bằng chứng đánh giá, viết yêu cầu hành động khắc phục, viết báo cáo đánh giá
- Có thể trở thành chuyên gia đánh giá độc lập trong lĩnh vực chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001
- PHƯƠNG PHÁP ĐÀO TẠO
Đối với việc biên soạn tài liệu :
- Tài liệu phải được biên soạn khoa học, ngắn gọn, đầy đủ nội dung, dễ hiểu.
- Nội dung từng học phần phải tuân thủ theo các chuẩn mực tương ứng (tiêu chuẩn ISO 9001, tiêu chuẩn ISO 9000, tiêu chuẩn ISO 19011)
- Tài liệu được biên soạn theo kết cấu mở để giảng viên dễ cập nhật kiến thức, tài liệu, văn bản quy phạm pháp luật mới.
- Các học phần có nội dung thực hành (bài tập tình huống, thảo luận, bài tập nhóm sẽ được học viên tiến hành hoặc thảo luận theo nhóm đối với các nội dung theo chương trình theo sự hướng dẫn của giảng viên. Học viên sẽ được mời lên trình bày bài giải của mình hoặc kết quả thảo luận của nhóm.
- Tổng thời gian làm bài & chữa bài tập chiếm khoảng 60% tổng số thời gian học. Tỷ lệ này có thể thay đổi cho phù hợp với từng nội dung khoá học, từng đối tượng học viên nhưng thời lượng dành cho lý thuyết không quá 50% và không ít hơn 50% trên tổng số thời gian của khoá học.
- Hoạt động đi tham quan doanh nghiệp sẽ tuỳ thuộc vào các nội dung của khoá học và đối tượng tham dự. Thời gian đi tham quan, học viên sẽ được yêu cầu tuân thủ các nội quy của doanh nghiệp và tuân thủ theo kế hoạch, mục đích của cuộc tham quan do giảng viên đề ra.
- Tài liệu đào tạo bản word được các giảng viên xây dựng nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản, khái quát cho mỗi khóa đào tạo. Tài liệu này có thể được in phát cho học viên và/hoặc làm căn cứ để các giảng viên xây dựng các slide giảng dạy trên lớp.
- Bài giảng được xen kẽ với các bài tập tình huống, các giả định. Học viên sẽ làm bài tập theo nhóm.
- Các bài tập thảo luận, bài tập nhóm được giảng viên cung cấp liên tục trong các giai đoạn của bài giảng tương ứng với các phần lý thuyết, giúp cho các học viên có được các cơ hội, điều kiện để trao đổi, thảo luận, phản biện.
- NỘI DUNG KHÓA ĐÀO TẠO
a, Mục đích cơ bản của các tiêu chuẩn trong khóa đào tạo, giải thích nguyên tắc, quy trình và kỹ thuật được sử dụng để đánh giá :
- Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001 trên toàn thế giới góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các tổ chức áp dụng
- Tiêu chuẩn ISO 9001 có thể sử dụng cho chứng nhận, đăng ký và tự công bố hệ thống quản lý chất lượng của tổ chức.
- Một tổ chức có thể lựa chọn tích hợp các tiêu chuẩn này với những hệ thống quản lý khác, bao gồm những hệ thống liên quan đến môi trường, sức khỏe và an toàn nghề nghiệp.
b, Giải thích về mục đích, nội dung :
- Tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng
- Mục đích của tiêu chuẩn ISO 9001 là giúp các tổ chức thiết lập các hệ thống và quá trình cần thiết để nâng cao hiệu lực & hiệu quả chất lượng.
- Tiêu chuẩn này có thể áp dụng cho mọi loại hình tổ chức, với quy mô bất kỳ không phân biệt điều kiện địa lý, văn hóa và xã hội. Việc áp dụng thành công phụ thuộc vào cam kết của tất cả các cấp và chức năng trong tổ chức và đặc biệt cam kết của lãnh đạo cao nhất.
- Nội dung tiêu chuẩn ISO 9001 quy định các yêu cầu đối với hệ thống quản lý chất lượng, theo đó một tổ chức có thể xây dựng và thực hiện chính sách chất lượng, thiết lập các mục tiêu, chỉ tiêu và kế hoạch hành động có tính đến các yêu cầu pháp lý. Hệ thống quản lý chất lượng cho phép tổ chức đạt được các cam kết về chính sách, thực hiện hành động cần thiết để nâng cao hiệu lực/hiệu quả chất lượng của mình và chứng tổ được sự phù hợp của hệ thống với các yêu cầu của tiêu chuẩn này.
- Tiêu chuẩn áp dụng cho các hoạt động thuộc kiểm soát của tổ chức và việc áp dụng tiêu chuẩn này cũng có thể được thay đổi để phù hợp với các yêu cầu cụ thể của tổ chức, gồm cả sự phức tạp của hệ thống, mức độ văn bản hóa và các nguồn lực.
Tiêu chuẩn ISO 9001 dựa trên khuôn khổ cải tiến liên tục Hoạch định-Thực hiện-Kiểm tra-Hành động (PDCA) và kết hợp quản lý chất lượng vào thực tiễn hàng ngày của tổ chức. Phương pháp tiếp cận PDCA có thể được tóm tắt như sau:
- Hoạch định : tiến hành xem xét và thiết lập các mục tiêu và kế hoạch hành động cần thiết để mang lại kết quả giúp nâng cao hiệu lực/hiệu quả chất lượng phù hợp với chính sách chất lượng của tổ chức.
- Thực hiện : thực hiện kế hoạch hành động quản lý chất lượng.
- Kiểm tra : theo dõi, đo lường các quá trình và các đặc trưng chính của hoạt động xác định hiệu lực/hiệu quả chất lượng theo chính sách, mục tiêu chất lượng và báo cáo kết quả.
- Hành động : thực hiện hành động để cải tiến liên tục hiệu lực/hiệu quả chất lượng và hệ thống quản lý chất lượng.
Thực tế áp dụng :
- Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 sẽ giúp cho các tổ chức thiết lập, áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng, với mục đích hỗ trợ tổ chức tuân theo phương pháp tiếp cận hệ thống trong việc đạt được cải tiến liên tục hiệu lực/hiệu quả chất lượng
- Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001ó thể là độc lập, nhưng có thể thống nhất hay tích hợp với các hệ thống quản lý khác.
- Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 áp dụng cho mọi tổ chức mong muốn đảm bảo rằng tổ chức mình phù hợp với chính sách chất lượng đã tuyên bố và mong muốn chứng tỏ điều này với những tổ chức khác, sự phù hợp này được xác nhận bằng cách tự đánh giá và tự công bố sự phù hợp, hoặc thông qua việc chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng.
- Quy trình áp dụng tiêu chuẩn
- Kỹ năng đánh giá
Các kỹ năng đánh giá bao gồm Kỹ năng đặt câu hỏi, Kỹ năng lắng nghe, Kỹ năng đọc tài liệu, Kỹ năng truy tìm dấu vết, Kỹ năng viết báo cáo.
c, Giải thích vai trò của người đánh giá trong các quá trình đánh giá theo tiêu chuẩn ISO 19011
Giải thích cụ thể vai trò của Đoàn đánh giá, bao gồm Trưởng đoàn, Thành viên, Chuyên gia đánh giá trưởng, Chuyên gia đánh giá, Chuyên gia đánh giá tập sự, Chuyên gia đánh giá trưởng giám sát, Chuyên gia kỹ thuật chất lượng....
d, Giải thích các yêu cầu của tiêu chuẩn
Các yêu cầu của tiêu chuẩn sẽ được diễn giải và giải thích cụ thể theo từng điều khoản.
đ, Cách thức và phương pháp thực hiện lấy mẫu
Khóa đào tạo này không áp dụng lấy mẫu.
e, Lập kế hoạch, thực hiện và báo cáo một cuộc đánh giá theo tiêu chuẩn ISO 19011 và các tiêu chuẩn có liên quan
Kế hoạch thực hiện cuộc đánh giá bao gồm :
- Họp khai mạc
- Phát hiện đánh giá
- Phân loại phát hiện đánh giá
- Công bố phát hiện đánh giá
- Yêu cầu hành động khắc phục
- Kết luận đánh giá
- Họp kết thúc
- Hành động khắc phục tiếp theo
g, Các nội dung khác
Không có
- THỜI GIAN CỦA KHÓA ĐÀO TẠO
Thời gian đào tạo: tổng thời gian là 5 ngày, mỗi ngày 8 tiết, tổng cộng 40 tiết, trong đó: giảng dạy lý thuyết là: 20 tiết, thực hành và làm bài tập: 17 tiết, thời gian làm bài kiểm tra: 3 tiết. Thời lượng dành cho đào tạo đánh giá là 3 ngày.
- YÊU CẦU ĐỐI VỚI GIẢNG VIÊN
a) Quy định năng lực, kỹ năng đối với giảng viên:
- Có trình độ đại học trở lên, có thâm niên công tác từ 03 năm trở lên.
- Có kỹ năng thuyết trình, có kinh nghiệm trong việc đào tạo, giảng dạy.
- Nắm vững các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 9001, ISO 19011, ISO/IEC 17021
- Giảng viên đã được phê duyệt là Chuyên gia đánh giá trưởng Hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001 theo đúng quy định của ISO 19011, đã thực hiện tối thiểu 30 cuộc đánh giá với tư cách là trưởng đoàn đánh giá
b) Quy định số lượng học viên tối thiểu và tối đa của một khóa học:
Số lượng học viên tối thiểu cho một khóa học: 15 học viên.
Số lượng học viên tối đa cho một khóa học: 30 học viên.
c) Số lượng giảng viên phù hợp với số lượng học viên của một khóa học:
Số lượng giảng viên cho một khóa học: nên là 02 giảng viên
- ĐÁNH GIÁ HỌC VIÊN VÀ TỔ CHỨC THI
a) Đánh giá hoàn thành khóa học:
Giảng viên có trách nhiệm đánh giá kết quả học tập thông qua việc đánh giá ý thức của học viên, sự tham gia trong khoá học (điểm chuyên cần) và kết quả kiểm tra của học viên (điểm kiến thức).
Học viên được xác định là trọng tâm của chương trình, vì vậy giảng viên sẽ đánh giá mức độ tham gia tích cực vào nội dung bài giảng, làm bài tập nhóm, bài tập tình huống, bài tập về nhà trong suốt quá trình học.
Số điểm chuyên cần không quá 10 điểm/học viên,
Việc đánh giá, nhận xét được thực hiện công khai đối với các mặt mạnh, tích cực.
Đối với các điểm yếu, khiếm khuyết, giảng viên sẽ gặp riêng từng học viên để trao đổi, thảo luận
Cấu trúc bài kiểm tra: bao quát các nội dung trong quá trình học
Các câu hỏi có thể dưới dạng trắc nghiệm và/hoặc tự luận. Tổng điểm của mỗi bài kiểm tra là 100 điểm.
b) Quản lý và đánh giá khóa học:
- Khóa học được điểm danh theo từng buổi.
- Nguyên tắc đánh giá tổng kết khóa đào tạo : Khóa đào tạo được đánh giá là hoàn thành với các tiêu chí sau :
+ Kết quả bài thi của học viên : 95% học viên được cấp chứng chỉ “tham dự khóa đào tạo” theo từng modun.
+ Kết quả đánh giá của học viên đối với khóa đào tạo : Đánh giá chung về mức độ hài lòng của học viên đối với khóa học đạt mức Tốt và Rất tốt là 80% trở lên.
c) Quản lý và tổ chức thi :
Bài thi phải được đóng dấu của tổ chức đào tạo. Tập bài thi phải được niêm phong, giảng viên phải công bố niêm phong và mở niêm phong trước mặt tất cả các học viên trước khi làm bài thi.
Bài thi phải được 02 người chấm, nếu kết quả chấm của 02 lần chênh lệch quá 10% thì phải tổ chức chấm lại.
d) Quy định về việc cấp chứng chỉ :
- Học viên sẽ được cấp chứng chỉ “đã tham dự khoá đào tạo Chuyên gia đánh giá hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001” với điều kiện:
+ tham dự đầy đủ trên 80 % thời lượng học theo chương trình của khóa học.
+ có làm bài kiểm tra cuối khóa.
- Học viên sẽ được cấp chứng chỉ “đã hoàn thành khoá đào tạo Chuyên gia đánh giá hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001” với điều kiện:
+ tham dự đầy đủ trên 80 % thời lượng học theo chương trình của khóa học.
+ có làm bài kiểm tra cuối khóa.
+ kết quả bài thi cuối cùng đạt tối thiểu 70 điểm (đã bao gồm điểm chuyên cần)
- Những học viên không tham dự đầy đủ 80% thời lượng học và không tham dự kỳ kiểm tra cuối khoá sẽ không được cấp chứng chỉ.
- CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ TRANG THIẾT BỊ CẦN THIẾT CHO KHÓA ĐÀO TẠO
- Khóa đào tạo phải được tổ chức ở nơi có phòng học rộng rãi, đủ ánh sáng.
- Có đủ bàn ghế cho 02 giảng viên và 30 học viên.
- Trang thiết bị đào tạo bao gồm phông, máy chiếu, máy tính, bút chỉ lazer, bảng viết, bút viết bảng, miếng xóa, giấy A0...
- Có phương tiện để bố trí trà, cà phê giữa giờ cho học viên.